Khởi nghiệp đừng sợ thất bại!
In trang
Trong hành trình khởi nghiệp, thất bại có thể là việc sẽ xảy ra, các startup cần có tâm lý vững vàng để vượt qua những thách thức, chứng minh được khả năng của mình với nhu cầu thị trường.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng trên hành trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ có những khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm khởi nghiệp, thậm chí là thất bại. Tuy nhiên, các startup phải nhận thức rõ rằng thất bại không phải sai lầm mà sai lầm là sau thất bại, các chủ thể không biết đứng lên để đi tiếp.

a

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên.

Thưa ông, khởi nghiệp hiện nay là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm và Duy Xuyên cũng vậy, xin ông chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp tại địa phương đã và đang phát triển thế nào?

Có thể nói, nhằm tối đa hóa mục tiêu phát triển phong trào khởi nghiệp trên địa bàn, huyện Duy Xuyên đã luôn tạo động lực để các ươm mầm dự án. Với huyện nhà, Duy Xuyên đã thành lập Hội khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2023-2028 trong khuôn khổ sự kiện năm Quốc gia khởi nghiệp – Quảng Nam 2023 vào tháng 4/2023.

Trong bối cảnh hiện nay, phong trào khởi nghiệp tại địa phương đã lan tỏa rộng khắp, tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi địa phương. Đến nay, Hội Khởi nghiệp sáng tạo Duy Xuyên đã có hơn 70 thành viên và các chủ thể khởi nghiệp luôn nỗ lực để tìm hướng đi phát triển, mở rộng thị trường, kết nối với nhau để dìu nhau qua những khó khăn trong hành trình nhiều gian nan.

Về các chủ thể, có thể kể từ vùng Đông gồm những nước mắm Duy Trinh, Cửa Đại, cà phê Cavalry, thực phẩm An Xanh, trầm hương Phúc Vương Lợi,...  hay đến vùng Tây từ ngũ cốc Duy Oanh, trứng gà ác Hảo Nhân, ốc bưu Huy Hoàng,... đang từng ngày phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, đã có những mô hình được đầu tư lên đến hàng tỷ đồng mang lại thu nhập cao.

a

Tháng 9/2023, UBND huyện Duy Xuyên đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, chuyển đổi số, kết nối việc làm

và giao thương sản phẩm OCOP, du lịch huyện Duy Xuyên đã kích cầu, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp,

sẻ chia cùng cộng đồng và hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của từng địa phương.

Các chủ thể cũng đã tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội chung. Cùng với đó, hành động khởi nghiệp, chịu khó dấn thân cũng đã lan tỏa khát vọng cho thanh niên trên địa bàn huyện.

Đặc biệt hơn, tháng 9/2023 vừa qua, huyện Duy Xuyên cũng đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, chuyển đổi số, kết nối việc làm và giao thương sản phẩm OCOP, du lịch huyện Duy Xuyên năm 2023. Ngày Hội có không gian triển lãm, giao thương hàng hóa với quy mô trên 60 gian hàng đến từ 81 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề, các sản phẩm đặc sản vùng miền, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống của các tổ chức, doanh nghiệp, chủ thể trong và ngoài huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cùng tham gia.

Qua đây mang lại ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, kích cầu, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, sẻ chia cùng cộng đồng và hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của từng địa phương nói riêng và của huyện Duy Xuyên nói chung. Từ đó đã tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tạo sức bật cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối các chủ thể, phát triển mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên, nông dân, phụ nữ trên địa bàn huyện.

Với phong trào sôi nổi như vậy, ông nhận thấy các chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn đã được “tiếp sức” thế nào trong thời gian qua?

Đầu tiên, phải nhìn nhận được rằng các chủ thể khởi nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang học được nhiều kinh nghiệm to lớn để đúc kết cho hành trình của mình. Họ đã biết rằng khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của mỗi cá nhân.

Thứ hai, đó là kỹ năng “va chạm” với thị trường. Sau nhiều hoạt động xúc tiến từ cấp địa phương đến cấp Quốc gia, các chủ thể đã tự tin hơn trong việc đưa sản phẩm mình đến với thị trường và khẳng định khả năng cạnh tranh. Và có thể nhận thấy qua các kết quả từ sự kiện xúc tiến, hội chợ,... các chủ thể đều kết nối, tiêu thụ hàng hóa rất tốt.

Thứ ba, là sự đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng khởi nghiệp. Hiện nay các chủ thể khởi nghiệp đã tạo thành một khối đoàn kết vững mạnh, mọi chương trình, hoạt động đều cùng nhau tham gia, xây dựng để cùng hành động đạt kết quả cao.

Cuối cùng là lan tỏa. Từ các chủ thể đơn lẻ, đến nay startup đã biết liên kết với nhau tạo thành một khối và lan tỏa khát vọng khởi nghiệp rộng khắp trên địa bàn.Từ đây thổi bùng lên khát vọng làm giàu trong cộng đồng dân cư, từng bước góp phần cùng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Từ những sự kết nối, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã đem lại hiệu quả kinh tế, bước đầu, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về khởi nghiệp. Đặc biệt, đã có một số dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do cấp tỉnh, trung ương tổ chức đạt thành tích cao.

Như ông đã nói, khởi nghiệp là một hành trình dài và nhiều chông gai. Vậy theo ông, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những áp lực thế nào trên chặng đường đang đi?

Phải nhìn nhận rõ ràng là khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng, dễ dàng và trải đầy hoa hồng. Do đó, khi đưa ra quyết định khởi nghiệp, các chủ thể, doanh nghiệp phải chấp nhận đối mặt với rất nhiều rủi ro và thử thách khác nhau.

Về những khó khăn, đầu tiên mà các startup sẽ đối mặt với vấn đề về kiến thức, kỹ năng xây dựng và vận hành ý tưởng, dự án khởi nghiệp, trong đó chưa xác định lộ trình và các mức ưu tiên khác nhau trên hành trình lâu dài của khởi nghiệp. Cùng với đó là trình độ ngoại ngữ là một rào cản lớn để vươn xa hơn.

Có thể nói cũng lắm bạn có hiện tượng “cắm đầu” nghĩ và làm những cái chưa thật sự khác biệt, độc đáo, cứ làm dần tới. Dễ dàng nhận thấy rằng, nếu các startup đầu tư vào dự án khá nhiều kinh phí, nhưng quên chăm lo thị trường, khách hàng thì cũng sẽ khó tiếp cận và phát triển được.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp nhiều nhưng để các startup “với tới” cũng còn nhiều trở ngại. Song song là đầu tư nguồn vốn rất quan trọng nhưng quan trọng hơn nó được đầu tư, kích hoạt và góp phần bùng nổ ở giai đoạn nào của khởi nghiệp để quyết định được tương lai của sản phẩm.

Với huyện nhà, tôi nhận thấy rằng vấn đề liên kết vẫn chưa thật sự bền chặt. Vì vậy, các chủ thể cần có tiến nói chung với nhau để cùng hình thành một chuỗi sản phẩm đặc biệt, tạo ra nguồn thu ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, từng bước gắn khởi nghiệp với kinh tế vườn, kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp,...  Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn vẫn chưa có nhiều các startup theo lĩnh vực công nghệ, đây cũng là một điều đáng tiếc và thiếu sót với hệ sinh thái của huyện.

Vẫn còn nhiều nguyên nhân khác từ khách quan đến chủ quan như các chủ thể vẫn lựa chọn “đơn phương độc mã” trên hành trình khó khăn của mình, các startup cứ cặm cụi với suy nghĩ của mình và ít có sự kết nối mạnh mẽ hơn và có thể là chưa định vị sự khác biệt trong sự trùng lặp sản phẩm,...

Vì vậy, startup cần phải phát huy nội lực của chính bản thân trong hành trình khởi nghiệp. Cùng với đó là nên chú trọng “học bơi” trước khi tham gia bơi. Tiếp đến, khai thác tốt và đúng thời điểm các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, góp ý của các đơn vị, chuyên gia liên quan. Và đặc biệt là, phải nhận thức rõ thất bại không phải sai lầm mà sai lầm là sau thất bại, bạn không biết đứng lên để đi tiếp.

Được biết, địa phương chúng ta đã lên kế hoạch “thổi bùng” lên ngọn lửa đam mê khởi nghiệp cho các chủ thể, vậy xin ông chia sẻ thêm về câu chuyện này?

Với một hệ sinh thái khởi nghiệp còn khá non trẻ, đơn vị sẽ tiếp tục gắn kết, tạo ra hệ sinh thái bền vững để các chủ thể có thêm động lực hoạt động. Trong đó, địa phương sẽ chú trọng đến việc tham mưu, kết nối với chuyên gia nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ xây dựng kế hoạch, định hướng để startup xác định hướng đi. Song song với đó, cần thiết có xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp, chú trọng các đơn vị khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số,...

Đặc biệt, huyện Duy Xuyên cũng sẽ tìm phương án khả thi để đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xuất sắc. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, “thổi” vào thanh niên và sinh viên khát vọng lập thân, lập nghiệp và ý chí làm giàu.

Trong năm 2024, huyện sẽ kết hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn để quảng bá sản phẩm địa phương, hỗ trợ sản phẩm OCOP xúc tiến thương mại, từ việc có thị trường lớn mạnh thì sẽ tiêu thụ sản phẩm lớn hơn, tạo nguồn thu cho các chủ thể. Cùng với đó là sẽ tổ chức một diễn đàn cấp Quốc gia về vấn đề khởi nghiệp, gắn nông nghiệp với du lịch nông nghiệp nông thôn,... với những lợi thế sẵn có. Trong đó, quy mô không chỉ riêng Duy Xuyên mà còn có các địa phương khác, để từ đó phát huy được lợi thế, đưa ra hành động cụ thể, tránh lãng phí tài nguyên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 35
  • Trong tuần: 2 359
  • Tất cả: 280 648

 

 Bản quyền thuộc về: BAN BIÊN TẬP CỔNG THÔNG TIN KHỞI NGHIỆP TỈNH GIA LAI    Địa chỉ:  98B Phạm Văn Đồng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai
 Chịu trách nhiệm chính:  Ông Nguyễn Nam Hải - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ    Điện thoại:  (0269) 3 824 264
 Cơ quan thường trực:  Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai    Website  skhcn.gialai.gov.vn
  Copyright © 2020

Giấy phép số 11/GP-TTĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Sở Thông tin

và Truyền thông tỉnh Gia Lai

   Email:  skhcn@gialai.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang