Thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) toàn cầu năm 2020 và dự báo năm 2025
Giáo dục là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, chiếm hơn 6% GDP toàn cầu. Tổng chi tiêu toàn cầu từ các chính phủ, công ty và người dân cho giáo dục và đào tạo toàn cầu ước tính đạt 7,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng 3,9% so với năm 2000 (Hình 1).
Đến năm 2050, thế giới sẽ có thêm 2 tỷ học sinh tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, đại học và các trường sau trung học, chủ yếu do nhiều học sinh hơn được đến lớp và dân số gia tăng (Hình 2).
Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, ngành giáo dục chưa được đầu tư thỏa đáng. Các chính phủ đang nỗ lực để tài trợ cho giáo dục ở những mức cao nhất trong lịch sử, trong khi các trường học và tổ chức giáo dục đang cắt giảm chi phí và bắt tay vào chuyển đổi số. Giáo dục không thu hút đủ vốn tư nhân để tài trợ cho những đổi mới cần thiết do vậy quan hệ đối tác công-tư sẽ rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và khả năng tiếp cận giáo dục trong tương lai (Hình 3).
Trong khi đó, giáo dục chưa được số hóa hoàn toàn và là một ngành tụt hậu về kỹ thuật số với chi tiêu toàn cầu cho kỹ thuật số ở mức dưới 4%, tạo ra một thách thức nghiêm trọng trong thời gian tới. Nền kinh tế tri thức và các kỹ năng trong tương lai đòi hỏi chuyển đổi kỹ thuật số quy mô lớn, và dù được tăng tốc do COVID-19, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm (Hình 4).
Năm 2020, 227 tỷ USD đã được chi cho kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 404 tỷ USD vào năm 2025 (tăng hơn 12,2%). Tuy nhiên, nếu như vậy, nó vẫn chỉ chiếm 5,2% tổng chi tiêu và được nhiều người coi là khá thận trọng. Mặc dù tác động lâu dài của COVID-19 đối với các mô hình giáo dục vẫn chưa bộc lộ hết, nhưng trong vài năm tới, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong giáo dục sẽ tăng lên và chi tiêu nhiều hơn trong dài hạn cho các mô hình kỹ thuật số mới.
Các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục và học tập sẽ đạt được những bước tiến vào năm 2020, thực tế ảo/thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo ngày càng được tích hợp vào các quy trình giáo dục và học tập cốt lõi. Trong khi đào tạo ảo và mô phỏng đã trở thành xu hướng chủ đạo trong đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lớn, các công nghệ này cũng đang được sử dụng nhiều hơn trong các môi trường giáo dục chính thống (Hình 5).
Các nhà đầu tư mạo hiểm có thể nhìn thấy động lực lớn của thị trường giáo dục và đào tạo toàn cầu, đầu tư 16,1 tỷ USD vào năm 2020, tăng từ 8,2 tỷ USD năm 2018. Con số này sẽ tiếp tục tăng, nhưng không trải đều trên toàn cầu và tập trung nhiều vào các vòng gọi vốn lớn ở giai đoạn cuối (Hình 6).
Trung Quốc, với thị trường giáo dục lớn nhất thế giới, đã dẫn đầu về tăng trưởng đầu tư mạo hiểm vào giáo dục trong 5 năm qua. Năm 2020, Trung Quốc chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu vào giáo dục, Hoa Kỳ chiếm 15%, Ấn Độ 14% và châu Âu 5%. Tuy không lớn nhưng đầu tư mạo hiểm vào EdTech của Ấn Độ đáng được ghi nhận, tăng gần 4 lần kể từ năm 2018.
Công bố quốc tế trong một số lĩnh vực công nghệ giáo dục
Hình 7 cho thấy số công bố quốc tế trong một số lĩnh vực công nghệ giáo dục (thực tế ảo, thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp, MOOC, người máy, thoại và trò chuyện, trò chơi và mô phỏng, STEM/mã hóa) liên tục tăng từ năm 2001-2020. Nếu như năm 2001, công bố quốc tế trên toàn thế giới trong những lĩnh vực công nghệ giáo dục nói trên là 2.249 bài thì đến năm 2020, con số này là 21.208 công bố (tăng 18.959 công bố tương ứng 843,63%). Tổng số công bố trong giai đoạn này là 170.219 bài (Hình 7).
Hoa Kỳ là nước có nhiều công bố nhất (5.2506 công bố). Tiếp theo là Trung Quốc (24.195), Anh (13.548), Đức (9313) (Hình 8).
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore là nước có nhiều công bố quốc tế nhất (2.146 công bố), tiếp theo là Malaysia (1639), Indonesia (1076), Việt Nam (251 công bố). Campuchia và Lào là 2 nước có ít công bố nhất, lần lượt là 9 và 5 công bố (Hình 9).
Trong giai đoạn 2009-2020, ở một số lĩnh vực công nghệ khảo sát, công bố trong lĩnh vực trò chơi và mô phỏng là cao nhất (80.617 công bố), tiếp theo là người máy (20.467), thực tế ảo (18.415). MOOC và thực tế hỗn hợp có số công bố thấp hơn cả, lần lượt là 3.395 và 902 (Hình 9).
Tri thức và nội dung
1. Khai phá tri thức: những tiến bộ trong lcông nghệ trí tuệ nhân tạo đang thúc đẩy một cách tiếp cận ngày càng tinh vi để khai phá nguồn tri thức từ khối lượng dữ liệu văn bản khổng lồ nhằm tìm ra các mẫu, các liên kết và các ý tưởng mới. Khả năng tìm kiếm mạnh mẽ và các hệ thống tự động, thông minh có thể kết nối tri thức từ nhiều định dạng ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, tri thức được truyền tải trong các video, ở định dạng âm thanh và các định dạng kỹ thuật số mới khác ngày càng nhiều. Công ty khởi nghiệp công nghệ sâu đang khai thác loại hình dữ liệu này, kết nối với các yếu tố khác như thông tin địa lý và sinh học để tìm ra những tri thức mới.
2. Nghiên cứu mở: tỷ lệ các bài báo truy cập mở liên tục tăng dẫn đến việc các tổ chức, học giả và chính phủ đặt câu hỏi về mô hình xuất bản học thuật độc quyền thu lợi nhuận từ nghiên cứu được tài trợ công khi chi phí công bố hiện gần bằng không. Dưới áp lực từ mọi phía, bao gồm cả sự tẩy chay hàng loạt, các gã khổng lồ xuất bản học thuật cung cấp quyền truy cập mở và miễn phí vào các tạp chí truy cập mở của họ ngày càng nhiều . Các công cụ để tìm kiếm, so sánh lựa chọn, gắn thẻ và tổ chức nghiên cứu nằm trong phân khúc này, cùng với các nền tảng hỗ trợ cộng tác, chia sẻ và công bố nghiên cứu và tri thức mới. Ngoài ra, bằng cách cung cấp rộng rãi dữ liệu và nghiên cứu khoa học, thống kê và tính toán hiện có, các nền tảng này đang dựa trên sức mạnh của cộng đồng toàn cầu gồm các nhà nghiên cứu, các nhà thực hành và những người đam mê.
3. Chương trình giáo dục: các công ty khởi nghiệp đang hợp tác với các nhà giáo dục để thiết kế các loại chương trình giảng dạy mới trong các lĩnh vực chuyên môn như học ngoại ngữ, khoa học hay viết mã. Được cung cấp cùng với nội dung độc quyền hoặc được tuyển chọn từ các tài nguyên giáo dục mở, nội dung học tập đang được xây dựng riêng theo yêu cầu của các ngành, công ty hoặc cơ quan chuyên môn và ngày càng được cá nhân hóa phù hợp với chương trình giảng dạy. Các nền tảng học tập thích ứng đang ngày càng bổ sung tài nguyên và nội dung vào các dịch vụ của họ và biến thành các giải pháp 'thiết kế học tập' (Learning Design) với chương trình giảng dạy đầy đủ được thiết kế cùng với hoặc thay mặt cho các nhà cung cấp giáo dục và các ngôi nhà nội dung (Content house). Các công cụ biên soạn chương trình giảng dạy, nền tảng thiết kế và các giải pháp phân tích học tập cũng là một phần của phân khúc này.
4. Tài nguyên giáo dục: phân khúc này bao gồm các giải pháp tìm nguồn cung ứng, lưu trữ, gắn thẻ và sử dụng tài nguyên giáo dục nhằm cung cấp cho giáo viên một ‘danh mục’ tài nguyên để sử dụng trong chương trình giảng dạy của mình. Tài nguyên ngày càng được số hóa và có thể được điều chỉnh bởi giáo viên, cho phép đưa ra các giải pháp theo ngữ cảnh. Các nền tảng chia sẻ nội dung ngang hàng dành cho giáo viên đã được phát triển với hàng trăm nghìn giáo viên chia sẻ (và bán) các giáo án, trang tính và hoạt động đã được thử và kiểm tra của họ. Các nền tảng tổng hợp cho các tài nguyên giáo dục mở cung cấp một công cụ cho các nhà giáo dục, hoặc bất kỳ ai, xây dựng các khóa học của riêng họ. Các giải pháp thị trường sách giáo khoa và học liệu, các nền tảng và ứng dụng dạy kỹ năng và toán học, nội dung học tập được trò chơi hóa và thị trường trực tuyến để đào tạo tuân thủ (Compliance training) và kỹ năng đều là một phần của phân khúc rộng lớn này.
5. Nền tảng hỏi đáp ngang hàng: hiện tượng trao đổi kiến thức ngang hàng đang chuyển sang lĩnh vực học tập và giáo dục, với các nền tảng hỗ trợ hỏi đáp (Q&A) giáo dục được cấu trúc theo các chủ đề nội dung truyền thống như toán học, khoa học và lịch sử. Nền tảng cung cấp các tùy chọn thành viên cho nội dung nâng cao, bỏ phiếu ngang hàng và cho điểm nội dung để cộng tác viên quản lý chất lượng. Các nền tảng khác hoạt động như các giải pháp phù hợp cho những người tìm kiếm câu trả lời với những người là chuyên gia trong lĩnh vực này hoặc với cộng đồng trực tuyến để hỗ trợ giải pháp 'huy động cộng đồng', cung cấp câu trả lời trong thời gian thực. Các giải pháp kiến thức ngang hàng trong giáo dục sẽ tiếp tục thách thức quan niệm về 'chuyên gia đáng tin cậy' vốn thường được áp dụng trong bối cảnh thể chế.
Quản lý giáo dục
6. Nền tảng quản lý giáo dục: các công cụ và nền tảng quản lý giáo dục cung cấp giải pháp dữ liệu thống nhất trong toàn bộ hành trình của học sinh. Người học và dữ liệu học tập được hiển thị cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và quản trị viên để hỗ trợ việc ra quyết định và theo dõi tiến độ. Một số giải pháp trong phân khúc này sử dụng cộng nghệ AI cung cấp các đề xuất được cá nhân hóa và dự đoán, trong khi các giải pháp khác giải quyết thách thức giao tiếp giữa nhiều bên liên quan bằng cách tự động hóa quy trình làm việc, cảnh báo và cung cấp trực quan hóa dữ liệu giống như bảng điều khiển. Các giải pháp trong phân khúc này bao gồm quản lý hành vi của học sinh, quản lý hỗ trợ tài chính, thuê giáo viên, sắp xếp thời gian, quản lý danh tính và liên lạc với phụ huynh.
7. Môi trường học tập: môi trường học tập kỹ thuật số trong các cơ sở giáo dục vẫn bị chi phối bởi các nền tảng LMS/VLE truyền thống được thiết kế để quản lý nội dung, hoạt động và đánh giá liên quan đến học tập. Các hệ thống này đang bị thách thức bởi kiến trúc cũ, tuy nhiên các tiêu chuẩn về khả năng tương tác, điện toán đám mây, tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm người dùng và tích hợp các giải pháp xã hội và truyền thông trực quan sẽ giữ được sự cạnh tranh trong thị trường này. Các giải pháp mới tập trung vào toàn bộ trải nghiệm của người học và "một cửa" cho giáo viên, trường học và toàn bộ hệ thống giáo dục. Những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu đang phát triển quan hệ đối tác và các giải pháp môi trường học tập nhằm thúc đẩy sự tích hợp rộng rãi hơn với bộ sản phẩm của họ.
8. Công nghệ lớp học: tại các trường học trên khắp thế giới, công nghệ lớp học cho phép tích hợp các nguồn tài nguyên kỹ thuật số, các hoạt động, trò chơi và đánh giá với các bài học đang diễn ra trong thế giới thực. Việc nắm bắt kỹ thuật số về học tập vật lý cho phép sinh viên ôn tập và tham gia vào lớp học của họ hay tương tác với những người khác trong không gian lớp học trực tuyến đồng thời, trực tiếp. Các phòng học thông minh và nội thất thông minh, màn hình đúc và ghi âm, bảng tương tác, máy in 3D, robot trong lớp học nằm trong phân khúc này.
9. Tuyển sinh: nền tảng tuyển sinh giải quyết các vấn đề cho sinh viên, phụ huynh và tổ chức bằng cách số hóa các quy trình tìm kiếm, đối sánh, xác minh, tuyển sinh và cung cấp quản lý quy trình làm việc từng bước. Các giải pháp hiện mở rộng sang các chiến lược tiếp thị và bán hàng cho người tiêu dùng và giải quyết các vấn đề giữ chân sinh viên thông qua các phương pháp giao tiếp được cá nhân hóa. Dựa trên 'sức mạnh cộng đồng', một số giải pháp trong phân khúc này đang sử dụng mô hình tư vấn ngang hàng sử dụng sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp để cung cấp tư vấn, cố vấn và tuyển sinh.
10. Tài chính: theo xu hướng trong các ngành công nghiệp khác, các giải pháp hỗ trợ công nghệ mới để tài trợ cho giáo dục đã đạt được sức hút trong vài năm qua. Các giải pháp cung cấp mô hình ‘kiếm ngay, trả sau’, các tùy chọn cho vay vi mô và tái cấp vốn cho người học cung cấp các giải pháp dựa trên thành viên dễ sử dụng, đang thách thức các nhà cho vay truyền thống. Các lựa chọn tài trợ cho học phí trường tư cho phép trả sau khi tốt nghiệp sẽ giảm bớt sức ép cho phụ huynh. Các giải pháp tìm kiếm và kết hợp học bổng cho phép sinh viên khám phá và điều hướng các quy trình học bổng phức tạp và cho phép các trường thực hiện các cam kết học bổng của họ. Các giải pháp xử lý thanh toán mới giúp các trường xử lý các khoản thanh toán từ sinh viên quốc tế và thách thức các nhà cung cấp truyền thống trong lĩnh vực này.
Mô hình truyền thống
11. Trước khi đi học (Pre-kindergarten-Pre-K): phân khúc Pre-K thường được cung cấp trong các môi trường mầm non, từ các mô hình truyền thống, đến học tập khám phá và các thiết lập nhập vai. Những đổi mới công nghệ trong các ứng dụng và trò chơi học tập trước khi đến trường, đồ chơi công nghệ (tech-enabled toys) và người máy đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Khi các chính phủ trên thế giới quy định về giáo dục chính thức bắt buộc trước khi đến trường, các mô hình mới như 'trường mầm non siêu nhỏ' đang xuất hiện. Các nền tảng trông trẻ và bảo mẫu, ứng dụng học tập sớm, trò chơi giáo dục, sách truyện audio và tương tác cũng nằm trong phân khúc này.
12. Trường học: thường được tổ chức theo các chương trình giảng dạy quốc gia và gắn liền với cơ cấu xã hội của cộng đồng, các trường học cung cấp chương trình giảng dạy tiêu chuẩn cho trẻ em từ 5-18 tuổi. Mặc dù có sự khác biệt lớn về cách tiếp cận tham gia và học tập ở các trường học trên toàn thế giới, nhưng có một xu hướng toàn cầu đối với các trường tư thục ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Khi các quốc gia, nền kinh tế và cộng đồng ngày càng tham gia nhiều hơn vào một thế giới toàn cầu, thì mạng lưới các trường học toàn cầu ngày càng phát triển, nhằm duy trì sự đa dạng và quốc tế hóa ở cốt lõi của chúng.
13. Đào tạo nghề: đào tạo nghề thường được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân và liên quan đến đào tạo kỹ thuật cần thiết cho các công việc chân tay, có nguồn gốc lịch sử từ nghề thủ công. Theo truyền thống, những người học nghề thông qua một mô hình học nghề. Các cơ sở đào tạo nghề đã không nắm bắt được cơ hội để ‘sở hữu’ không gian chuyên môn kỹ thuật mới của máy tính và mã hóa mà các đồng nghiệp đại học đã sử dụng trong 20 năm qua. Tuy nhiên, trên thế giới đang nổi lên sự công nhận về tầm quan trọng của đào tạo kỹ thuật và dạy nghề để cung cấp nguồn nhân lực trong tương lai như là "động cơ" của các nền kinh tế lành mạnh.
14. Trường học thay thế (Alternate School): các nhà cung cấp giáo dục thay thế, từ lớp 1-12 đến đào tạo chuyên nghiệp, luôn được coi là ‘ngoại lệ’ và không quan trọng đối với hệ thống giáo dục chính thức, với một tỷ lệ không đáng kể người học tham gia vào các hình thức giáo dục thay thế. Tuy nhiên, để tìm kiếm kết quả tốt hơn và thất vọng với các hệ thống quốc gia, các trường thay thế đang đạt được sức hút và giờ đây chúng ta thấy các mô hình đại học thay thế, chẳng hạn, tập trung vào các kỹ năng và kết quả cụ thể như tư duy phản biện, ra quyết định có đạo đức và lãnh đạo.
15. Trường đại học: từng là thánh địa của giới tinh hoa, trong hơn 30 năm qua, các trường đại học đã chuyển sang phục vụ thị trường đại chúng. Trong bối cảnh nguồn lực công và nhu cầu thị trường ngày càng giảm, các trường đại học đã kết hợp công nghệ vào hầu hết các cấu phần trong quá trình giáo dục của họ. Nhiều trường đại học truyền thống cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn toàn. Có nhiều ‘phân khúc’ trường đại học thuộc khối Ivy League (các trường ưu tú), để mở rộng và đào tạo từ xa cho những người học trong các ngành cụ thể như kỹ thuật hay công nghệ. Một số trường đại học 'siêu lớn' nổi lên nhờ lượng tuyển sinh trực tuyến khổng lồ trên toàn cầu và những trường khác đang hợp lực để tạo liên minh, chia sẻ tài nguyên và sinh viên.
Tác giả: Nguyễn Lê Hằng
Theo: Bản tin Khởi nghiệp số 26.2021
Tài liệu tham khảo:
- Holoiq, 2021 Global Learning Landscape
- Edtech Vietnam Report 2021
- Tài liệu hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục” - Edtech Festiaval 2021