ĐỊNH HƯỚNG ĐÚNG TƯ DUY VỀ KHỞI NGHIỆP GIÚP NGƯỜI TRẺ DỄ DÀNG THÀNH CÔNG
Khởi nghiệp là gì?
Xét dưới góc độ ngôn ngữ học, “khởi nghiệp” là một từ Hán Việt, theo đó, “khởi” có nghĩa là bắt đầu, “nghiệp” có nghĩa là công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp, nên có thể hiểu “khởi nghiệp” là thuật ngữ chỉ sự bắt đầu sự nghiệp.[i] .[1]
Trên thế giới, khái niệm khởi nghiệp đã tồn tại từ lâu với thuật ngữ tiếng Pháp “entrepreneur” (doanh nhân khởi sự). Ngay từ cuối thế kỷ 17, nhà kinh tế học Richard Cantillion đã định nghĩa doanh nhân khởi sự là người đưa ra những quyết định về việc thụ đắc và sử dụng nguồn lực với tâm thế chấp nhận rủi ro một cách mạo hiểm.[ii] [1].[2]. Vào năm 1990, Stevenson và Jarillo đã đưa ra định nghĩa khởi nghiệp; theo đó, khởi nghiệp là hoạt động tự làm chủ doanh nghiệp - một quá trình mà cá nhân khởi nghiệp xác định rõ và biết theo đuổi, nắm lấy những cơ hội trong nền kinh tế.[iii] [1].[3].
Đến cuối thế kỷ XX, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và sự ra đời của nhiều giải pháp kinh doanh mới, thuật ngữ khởi nghiệp được bổ sung thêm và hình thành một thuật ngữ mới, dần được sử dụng một cách phổ thông hơn, là thuật ngữ “start-up”. Thuật ngữ start-up thường được sử dụng để chỉ một doanh nghiệp mới thực hiện hoạt động kinh doanh trên nền tảng sáng tạo, đột phá, đạt hiệu quả cao. European Startup Monitor xác định doanh nghiệp start-up theo các điều kiện: (i) được thành lập trong 10 năm trở lại; và (ii) sử dụng, khai thác công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh sáng tạo; hoặc (iii) có được hoặc phấn đấu có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao hoặc doanh thu cao.[6][iv][4].
Dưới góc nhìn của tác giả, khởi nghiệp tức là bạn đã ấp ủ một công việc kinh doanh riêng, thường thì bạn sẽ thành lập một doanh nghiệp mà tại đó bạn là người quản lý, là người sáng lập hoặc đồng sáng lập. Việc cung cấp những sản phẩm mới, dịch vụ mới hay thậm chí kinh doanh những mặt hàng đã có mặt trên thị trường nhưng theo ý tưởng của riêng mình... đều được gọi là khởi nghiệp.
Lợi ích của việc khởi nghiệp
Khởi nghiệp có thể xem là quá trình tạo ra một lĩnh vực hoạt động mới cho riêng mình. Qua đó, người khởi nghiệp có thể thuê các nhân viên về làm việc cho họ và họ là người quản lý công ty, doanh nghiệp của mình. Có thể nói, khởi nghiệp thành công không chỉ đem lại nhiều giá trị cho bản thân mà còn đóng góp rất nhiều lợi ích cho xã hội.
Trước hết, đối với cá nhân người bắt đầu khởi nghiệp, điều này sẽ giúp họ tự tạo được công việc cho bản thân mình, chủ động trong công việc, thu nhập mà không cần phải đi "xin việc" và phụ thuộc vào người chủ. Người khởi nghiệp có sự tự do trong công việc, thoả sức sáng tạo và làm việc theo mong muốn của mình. Nếu công việc khởi nghiệp thuận lợi, thu nhập từ khởi nghiệp có thể cao hơn gấp nhiều lần so với công việc khi họ đi "làm thuê" hay làm công ăn lương. Hơn thế nữa, đối với xã hội, một điều dễ dàng nhận thấy là những doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra nhiều vị trí việc làm, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, giúp người lao động có thu nhập để lo cho bản thân và gia đình.
Doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sẽ giúp tạo ra khối lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, gián tiếp góp phần không nhỏ trong việc ổn định trật tự xã hội, làm giảm đáng kể các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây nên như nạn cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, ma tuý,… Nhờ đó, khởi nghiệp cũng có những ảnh hưởng tích cực tới phát triển nền kinh tế của đất nước.
Những ai có thể khởi nghiệp?
Có thể nói, khởi nghiệp không "kén chọn" đối tượng tham gia. Bất cứ người trưởng thành nào đều có thể khởi nghiệp, không phân biệt già trẻ, không phân biệt giới tính, không phân biệt bạn ở thành thị hay nông thôn, chỉ cần bạn có ý tưởng kinh doanh khả thi, có mong muốn đam mê khởi nghiệp, đem lại lợi ích cho bản thân và được pháp luật cho phép.
Tuy vậy, có thể thấy đa số những người khởi nghiệp thường là những người trẻ, thường là những bạn học sinh sinh viên hoặc người vừa mới tốt nghiệp. Những người trẻ này thường có nhiệt huyết, có sự sáng tạo, năng động, có "máu liều", dám đương đầu với thử thách và có khả năng chấp nhận rủi ro. Họ cũng là những người nhạy bén, có khả năng nắm bắt cơ hội, tiếp cận nhanh những kiến thức, khoa học công nghệ mới và khao khát thể hiện bản thân cũng như sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm của những người thành công đi trước.
Những yếu tố cần có để bắt đầu khởi nghiệp
Có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc trước khi chúng ta muốn khởi nghiệp, tuy nhiên, các bạn trẻ cần chú ý đến một số yếu tố quan trọng như:
Một là, ý tưởng kinh doanh. Ý tưởng kinh doanh được bắt nguồn từ năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Bởi vì, chỉ có sự sáng tạo mới giúp bạn tạo ra được sự mới mẻ, sự đặc biệt trong dịch vụ, sản phẩm của mình, nhằm tạo ra sự khác biệt để có thể cạnh tranh với các đối thủ trong thị trường khốc liệt mà bạn hoàn toàn là "một tấm chiếu mới". Ý tưởng kinh doanh có thể không phải là hoàn toàn mới, chưa ai nghĩ tới, mà có thể xuất phát từ nhu cầu thị trường, bạn tạo ra được sự khác biệt, sự đột phá cho doanh nghiệp của bạn mà những người khác không có.
Hai là, nguồn vốn khởi nghiệp. Vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp bạn hiện thực hoá ý tưởng của mình. Nếu bạn chỉ có ý tưởng hay mà không có nguồn lực tài chính, thì không thể thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình được. Vốn cũng là đòn bẩy giúp bạn đẩy nhanh quá trình khởi nghiệp và có khả năng tiếp cận được nhiều nguồn tài nguyên tốt cho việc khởi nghiệp của mình.
Ba là, kiến thức nền tảng và kiến thức chuyên môn. Hiện nay, dù bạn muốn khởi nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào bạn cũng cần có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực ấy mới có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu và đánh giá, phân tích để có thể đưa ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp của mình. Chẳng hạn như bạn muốn trở thành nhà phân phối về mỹ phẩm thiên nhiên, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan tới lĩnh vực mỹ phẩm có nguồn gốc về thiên nhiên, tác dụng và ảnh hưởng của những sản phẩm này…Hay bạn muốn khởi nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, bạn phải biết được một số kỹ thuật phân biệt cơ bản đồ thủ công với đồ công nghiệp,...Bạn muốn kinh doanh cửa hàng gia dụng về đồ điện, bạn phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này như hiệu suất, công năng của mỗi loại sản phẩm… Kiến thức về hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực cũng vô cùng quan trọng nếu bạn muốn có một khởi đầu thành công.
Bốn là, sự quyết tâm và lòng kiên trì. Trong tất cả mọi công việc, không phải lúc nào chúng ta cũng sẽ thành công ngay ở những lần đầu tiên, và người trẻ khi khởi nghiệp cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực khởi nghiệp, sự thiếu kinh nghiệm thực tế hay những sai lầm trong quyết định có thể dẫn đến sự thất bại. Tuy nhiên, nếu người trẻ có đam mê, nhiệt huyết, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và thử thách, thì người trẻ cần có sự quyết tâm và lòng kiên trì, nếu không sẽ dẫn đến sự nản chí và bỏ cuộc giữa chừng.
Bên cạnh đó, các kỹ năng cũng vô cùng quan trọng đối với những ai muốn khởi nghiệp thành công. Những kỹ năng cần thiết có thể kể tới như: kỹ năng hoạch định chiến lược, kỹ năng quản lý, kỹ năng nghiên cứu- phân tích thị trường... Ngoài ra, bạn cần trau dồi những kỹ năng mềm cho bản thân như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp…Khả năng sử dụng thành thạo máy tính, ngoại ngữ và các nền tảng mạng xã hội cũng vô cùng cần thiết và có nhiều lợi ích trong xu hướng.
Các lĩnh vực người trẻ có thể lựa chọn để bắt đầu khởi nghiệp
Hiện nay có rất nhiều ngành nghề trong xã hội tuy nhiên không phải bất kỳ nghề nào cũng có thể là lựa chọn khởi nghiệp của bạn. Làm cách nào để lựa chọn một lĩnh vực, một ngành nghề đúng, phù hợp với bản thân là câu hỏi của rất nhiều người, không chỉ những người muốn làm chủ doanh nghiệp mà còn của những người đâng đi tìm việc làm. Việc chọn một ngành nghề phù hợp với điều kiện về tài chính, về kiến thức và kĩ năng của bản thân và phù hợp với ước mơ của mình là một điều cực kì quan trọng và khó khăn. Bởi vì, một anh kỹ sư ngành điện tử, xây dựng, cơ khí không được đào tạo về thị trường, không có kĩ năng kinh tế không thể tự mình khởi nghiệp với những gì liên quan đến kinh tế, tài chính – ngân hàng. Hoặc một bạn học chuyên ngành kinh tế được đào tạo các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, kế toán, kiểm toán... không thể bắt đầu khởi nghiệp bằng cách mở phòng khám hoặc nhà thuốc trừ khi hợp tác với các bác sĩ, dược sĩ.
Vì vậy nếu bạn muốn khởi nghiệp thành công, hãy lựa chọn những ngành nghề nào phù hợp nhất với kiến thức, kỹ năng và chuyên môn của bản thân mình.
Hiện nay, có rất nhiều lĩnh vực mà bạn trẻ có thể tham khảo, nghiên cứu và lựa chọn để tiến hành khởi nghiệp. Ví dụ như:
Dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp
Hiện nay điều kiện, mức sống của người dân tăng cao dẫn đến nhu cầu làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ của người dân, đặc biệt là các chị em phụ nữ ngày càng lớn, đây cũng là cơ hội lớn cho những ai muốn bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp.
Tuy nhiên, hiện nay đã có khá nhiều người tham gia vào loại hình này vì thế sự cạnh tranh trong lĩnh vực này khá lớn và gặp không ít khó khăn. Điều này đòi hỏi bạn phải có tay nghề giỏi, kỹ năng nghề thành thạo, có nhiều dịch vụ đi kèm phù hợp và dịch vụ chất lượng nhưng vẫn đảm bảo ở mức giá phù hợp nếu muốn cạnh tranh với các trung tâm đã có thâm niên và uy tín. Đây là có thể là những spa làm đẹp, mát-xa trị liệu, hay những phòng tập yoga…
Trung tâm đào tạo ngoại ngữ, phát triển kỹ năng mềm cho thanh thiếu nhi, trung tâm tư vấn tâm lý
Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế đòi hỏi các bạn trẻ ngoài việc có chuyên môn còn cần phải có kỹ năng về ngoại ngữ. Ngoại ngữ giỏi giúp cho các bạn sinh viên, ứng viên khi đi ứng tuyển có nhiều ưu thế so với các ứng viên khác. Vì vậy, phụ huynh cũng rất đầu tư cho con em mình học ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm ngay từ khi còn rất nhỏ với nhiều trình độ, chứng chỉ khác nhau.
Ngoài ra, cuộc sống càng phát triển, guồng quay công việc, áp lực từ gia đình, con cái khiến nhiều người gặp các vấn đề về tâm lý, các trung tâm tư vấn tâm lý cũng có nhiều cơ hội để phát triển và còn khá mới mẻ ở nhiều địa phương.
Dịch vụ kinh doanh thực phẩm "healthy", có nguồn gốc "hữu cơ"
Ngoài nhu cầu về thẩm mỹ, làm đẹp, người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm mà họ tiêu thụ hàng ngày. Ở các thành phố, khu đô thị, người dân có xu hướng được ăn những thực phẩm an toàn, "thực phẩm sạch", vì vậy, đây là một lĩnh vực kinh doanh có khá nhiều triển vọng trong xu thế hiện nay.
Dịch vụ cho thuê trang phục
Cho thuê trang phục là loại hình dịch vụ khá phát triển hiện nay nhưng đòi hỏi bạn phải bỏ ra một số vốn khá lớn và quá trình thu hồi vốn diễn ra nhanh hay chậm tùy vào quy mô cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Ngành dịch vụ này thường cung cấp các loại trang phục dạ hội, áo dài hay trang phục cho những sự kiện của các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê quần áo cô dâu chú rể, trang phục biểu diễn…
Ngoài ra để mở rộng quy mô và nhanh có lãi bạn nên phát triển lĩnh vực này gắn liền với dịch vụ cung cấp nhân sự, PB ( Promotion Boy), PG ( Promotion girl) bởi vì không một công ty nào chỉ cho thuê mỗi trang phục để làm sự kiện mà thay vào đó là người ta cung cấp cả nhân sự và các dịch vụ đi kèm khác để tăng cao doanh thu. Vì thế loại hình này rất có tiềm năng ở các thành phố lớn nơi các sự kiện thường xuyên được tổ chức.
Kinh doanh online
Bán hàng online là một lĩnh vực không mới với mọi người. Ngành nghề này đặc biệt thích hợp với phụ nữ, làm được mọi lúc mọi nơi ngay cả lúc đang đi làm đẹp hay chăm con ở nhà. Công việc này còn phù hợp cho những người ít vốn không có điều kiện mở shop bán offline hay những doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô của mô để sản phẩm của mình được tiếp xúc với nhiều khách hàng hơn, được nhiều người biết đến hơn. Kinh doanh online cũng rất đa dạng sản phẩm như: quần áo, hàng gia dụng, mỹ phẩm, thức ăn nhanh…
Kinh doanh các sản phẩm gắn với yếu tố du lịch, văn hoá đặc trưng vùng miền
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã quay trở về địa phương để khởi nghiệp dựa trên chính những thế mạnh của địa phương. Những sản phẩm mang yếu tố gìn giữ, bảo tồn văn hoá kết hợp truyền thống bản sắc dân tộc và yếu tố du lịch được chính quyền địa phương quan tâm cũng như có nhiều cơ hội thành công.
Các bước tiến hành khởi nghiệp
Bước 1: Xác định mục tiêu
Bước 2: Nghiên cứu lợi thế, khó khăn của doanh nghiệp có thể sẽ gặp phải
Bước 3: Tìm ý tưởng phù hợp
Bước 4: Lấy ý tưởng từ việc phỏng vấn khách hàng
Bước 5: Lập kế hoạch kinh doanh
Bước 6: Xây dựng bản kế hoạch chi tiết
Bước 7: Đo lường, đánh giá
Bước 8: Tiến hành xây dựng đội ngũ nhân sự
Bước 9: Huy động và kêu gọi vốn
Bước 10: Cơ cấu bộ máy doanh nghiệp và nhân sự
Bước 11: Thiết lập ngân sách hoạt động
Bước 12: Mở rộng quy mô kinh doanh phù hợp với kế hoạch tiếp thị
Bước 13: Dự trù rủi ro
[i].[1] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr. 512.
[iii] [3] H. H. Stevenson và J. C. Jarillo-Mossi, “A Paradigm of Entrepreneurship: Entrepreneurial Management”, Strategic Management Journal, 11(4), May–June 1990, tr. 23.
[iv] [4] T. Kollmann và tgk, “European Startup Monitor 2016”, Startup Monitor, https://duepublico2.unidue.de/receive/duepublico_mods_00043790, tr.15.
Ths Nguyễn Thị Thảo
Trường Cao đẳng Gia Lai